Mọi trục trặc của cơ cấu phối khí đều ảnh hưởng trực tiếp tới công suất, độ ồn và tính ổn định của động cơ.
Không quá khó để lái xe có thể phát hiện sự bất thường của cơ cấu phối khí
Cơ cấu phối khí (CCPK) là cơ cấu phức tạp nằm bên trong khối động cơ nên mọi điều chỉnh hoặc sửa chữa đều cần đến bàn tay của người có kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn. Tuy nhiên, không phải thế mà người sử dụng phó mặc nó cho "ông trời” khi xảy ra hư hỏng. Ngược lại, bạn hoàn toàn có thể chủ động về khả năng chẩn đoán đơn giản để có cách xử lý phù hợp, giảm thiểu thiệt hại cũng như khả năng xảy ra hư hỏng khi đang chạy ở xa trung tâm thành phố.
Xu-páp đóng không kín
Trong quá trình hoạt động của động cơ, việc xu-páp đóng không kín sẽ gây ra tình trạng "tụt hơi”, giảm tỷ số nén của động cơ, hòa khí khó cháy hơn, công suất động cơ giảm và trong nhiều trường hợp động cơ không khởi động được.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xu-páp đóng không kín, có thể kể ra như việc rà xu-páp không tốt, khe hở nhiệt quá nhỏ, lò xo xu-páp quá yếu hoặc bị gãy, muội than bám nhiều,… Nếu tình trạng xu-páp đóng không kín chỉ xảy ra ở một vài xy-lanh sẽ gây ra hiện tượng xe bị rung, giật.
Tiếng gõ bất thường
Trong quá trình làm việc bình thường của cơ cấu phối khí chuẩn, việc va đập giữa vấu cam với con đội, nấm xu-páp với đế xu-páp sẽ gây ra tiếng gõ, nhưng tiếng gõ này nhỏ và rất đều, khác hẳn với những tiếng gõ do một số hư hỏng sau gây ra:
- Khe hở nhiệt quá lớn do con đội, vấu cam bị mòn hoặc con đội thủy lực bị chảy dầu. Khi chạy ở tốc độ thấp, tại vị trí nắp đậy nắp máy có tiếng kêu lách tách rõ ràng và liên tục do vấu cam va đập với con đội.
- Nếu lò xo xu-páp bị gãy khi làm việc sẽ phát ra tiếng gõ nhẹ và thường kèm theo hiện tượng máy yếu, rung do xuất hiện tình trạng xu-páp đóng không kín.
- Trường hợp khe hở giữa thân xu-páp và ống dẫn hướng quá lớn ta có thể nghe thấy tiếng gõ nhẹ với âm điệu trung bình (thường chỉ phát hiện được khi sử dụng thiết bị nghe tiếng gõ chuyên dụng).
Đai cam đứt có thể làm cong xu-páp, gãy cò mổ
Đứt đai dẫn động
Hiện nay ngoài việc sử dụng xích để truyền động trục cam (xích cam), trên nhiều mẫu xe mới vẫn sử dụng đai để dẫn động (đai cam). Mặc dù khắc phục được nhược điểm của kiểu dẫn động xích như ồn, rung nhưng tuổi thọ của đai không cao, độ tin cậy thấp.
Cần thay đai cam định kỳ sau 8 – 10 vạn km hoặc theo đúng giá trị mà nhà sản xuất quy định. Xích cam có tuổi thọ cao hơn, thông thường nên thay khi xe đạt 18 – 20 vạn km.
Việc đứt đai cam khi xe đang chạy sẽ làm cong xu-páp, gãy cò mổ. Đai, xích cam chùng, mòn, rão sẽ làm sai lệch pha phối khí khiến động cơ không phát huy được hết công suất và tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn.
Sai lệch pha phối khí
Trường hợp sai pha phối khí thường chỉ xảy ra khi xích hoặc đai cam đã quá mòn và chùng, trong quá trình sửa chữa người thợ căn chỉnh không chuẩn. Biểu hiện của việc pha phối khí bị sai lệch là động cơ yếu, tăng tốc kém ở tốc độ cao, làm việc không ổn định ở tốc độ thấp. Thông thường pha phối khí bị chậm đi khi xảy ra sai lệch nên động cơ khó khởi động hoặc không thể khởi động được, khí xả có màu đen và nhiều muội than.
Cháy bạc trục cam
Toàn bộ cơ cấu phối khí đều cần được bôi trơn (trừ đai cam), đặc biệt là các ổ đỡ trục cam, vấu cam. Tại các vị trí này, vật liệu được gia công để có độ cứng bề mặt rất cao, chống mài mòn tốt nhưng với tốc độ quay bằng 1/2 lần trục khuỷu, lực và mô-men xoắn tác dụng lớn nên chỉ cần thiếu dầu bôi trơn do tắc đường dầu, chất lượng dầu kém hoặc bị lão hóa biến chất sẽ khiến các ổ trục cam bị phá hủy do cháy. Đối với các loại ổ trục cam liền, việc bị cháy sẽ khó sửa chữa lại, phải thay mới cả nắp máy.
(Nguồn: xe360)
Việt Nhất là nhà phân phối các loại thang nhôm, thiết bị, máy móc công nghiệp, dụng cụ điện, dụng cụ cầm tay chính hãng chất lượng tốt nhất với giá rẻ cùng các chính sách ưu đãi – giao hàng nhanh 1-2h làm việc – bảo hành đảm bảo, khách hàng có thể liên hệ cùng chúng tôi để được tư vấn chuyên sâu về các sản phẩm cũng như chọn cho mình 1 sản phẩm phù hợp nhất với công việc.